Đưa vào vận hành Cổng hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số – SMEdx đã được Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ KH&ĐT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam công bố ngày 12/1 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TT&TT năm 2021.
Chương trình hướng tới mục tiêu kép vừa góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ năng lực chiếm lĩnh thị trường trong nước và đi ra toàn cầu.
Phát biểu tại lễ khởi động Chương trình vào ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, lễ công bố Chương trình như một lời cam kết của Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để giải quyết các “nỗi đau”, các vấn đề mà bất kỳ một doanh nghiệp SME nào cũng có thể gặp phải.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh một lần nữa dịch bệnh Covid lại xuất hiện những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đặt ra nhu cầu chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, Bộ TT&TT cùng các bên liên quan tổ chức lễ khởi động, chính thức đưa vào hoạt động Chương trình SMEdx. “Sự kiện là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp các nền tảng số để lựa chọn những nền tảng phù hợp với nhu cầu của mình”, Thứ trưởng nói.
Cùng với việc chính thức khởi động Chương trình SMEdx, Ban chỉ đạo Chương trình cũng bắt đầu đưa vào vận hành Cổng kết nối, tương tác, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp SME tại địa chỉ https://SMEdx.vn.
Qua Cổng kết nối này, các doanh nghiệp SME có thể tìm hiểu về chuyển đổi số, học hỏi phương pháp chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, tính năng quan trọng nhất của SMEdx là các doanh nghiệp có thể tìm hiểu và lựa chọn ngay những nền tảng số mà mình cần dùng để đăng ký triển khai sử dụng kèm theo nhiều ưu đãi lớn.
Được triển khai xuyên suốt cả năm 2021 một cách hệ thống, bài bản, có đánh giá hàng tháng, hàng quý để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp, SMEdx cũng là cơ hội để quảng bá và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác trên thế giới, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam năng động và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường cho biết, với việc kích hoạt Chương trình này, Bộ TT&TT đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp SME tiếp cận với Chương trình, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Phép thử với các nền tảng số Make in Vietnam
Trong khuôn khổ lễ khởi động, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT và 15 doanh nghiệp cung cấp nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình SMEdx.
Các nền tảng chuyển đổi số tham gia Chương trình đều là nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc do Bộ TT&TT tập hợp, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng, trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp SME dùng thử, trải nghiệm và vận dụng vào các nghiệp vụ cụ thể của mình. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ, tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy sự hoàn thiện quốc gia số.
Lý giải rõ hơn vì sao Ban chỉ đạo Chương trình chọn các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, các nền tảng số tham gia Chương trình phải sẵn sàng khả năng mở rộng, nhanh chóng cung cấp dịch vụ tốt, ổn định cho số lượng khách hàng tăng đột biến với chi phí thấp. Và chỉ những doanh nghiệp với các nền tảng số xuất sắc có năng lực công nghệ mới đáp ứng được điều này.
“Chương trình như một phép thử với các doanh nghiệp số và nền tảng số Make in Vietnam. Phần thưởng khi vượt qua được phép thử này chính là cơ hội được khách hàng biết đến và sử dụng lâu dài, ổn định”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho rằng, Chương trình như một địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng các doanh nghiệp SME trong suốt quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp SME với nguồn lực hạn chế đa số còn lạ lẫm với khái niệm chuyển đổi số có thể nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số thông qua các nền tảng số xuất sắc với chính sách sử dụng ưu đãi mà không phải thực hiện bất kỳ cam kết nào.
Các doanh nghiệp SMS “trăm hoa đua nở”, có những vấn đề chung nhưng cũng có vấn đề rất riêng. Chương trình mới đáp ứng được phần nào những nhu cầu cơ bản thiết yếu của mỗi doanh nghiệp. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục các vấn đề cơ bản, Chương trình cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề hoạt động cụ thể.
“Thông qua Chương trình, Bộ TT&TT cùng các bên liên quan mong muốn được các doanh nghiệp SME chia sẻ nhiều hơn nữa về khó khăn, nỗi đau trong quá trình hoạt động. Đây chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thực tế nhất để cộng đồng công nghệ Việt Nam nắm bắt được nỗi đau của các doanh nghiệp SME, định hình các bài toán của Việt Nam để từ đó chúng ta cùng nhau dùng công nghệ số giải quyết những bài toán này”, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn.
Dẫn ra lý thuyết hòn tuyết lăn từ trên núi xuống, càng lăn càng dày và càng dày sẽ lăn càng nhanh, Thứ trưởng khẳng định: “Càng nhiều doanh nghiệp nền tảng và doanh nghiệp SME tham gia, quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi kinh tế số diễn ra nhanh chóng và có tác động lan tỏa”.
15 nền tảng số Make in Vietnam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số
Hiện tại, số lượng nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc được chọn tham gia Chương trình SMEdx đã là 15 nền tảng như: nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office, nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP, nền tảng chăm sóc khách hàng đa kênh StringeeX, nền tảng an toàn an ninh mạng CyRadar, nền tảng tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks…
Chính sách ưu đãi tối thiểu của Chương trình cho các doanh nghiệp SME có 3 điểm chính: miễn phí trải nghiệm sử dụng nền tảng trong thời gian 3 tháng; ký hợp đồng sử dụng 1 năm được miễn phí sử dụng 6 tháng (giảm 50%); Miễn phí các khóa đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng.