Ngày 1/2, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với vắc xin AstraZeneca. Đây cũng là vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Vắc xin được sản xuất bởi: Catalent Anagni S.R.L-Y (Italia); CP Pharmaceuticals Limited (Anh); IDT Biologika GmbH (Đức). Đơn vị đề nghị phê duyệt vắc xin là Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam, công ty vốn Anh.
AstraZeneca Việt Nam hiện đang hợp tác cùng CTCP Vắc xin Việt Nam (VNVC) để cung cấp 30 triệu liều vắc xin, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021.
Phía VNVC hiện cho biết sẽ nỗ lực nhất có thể để sớm mang vắc xin về Việt Nam. Công ty này đang tổ chức cho khách hàng “đăng ký trước thông tin người cần tiêm” hoặc “đăng ký thông tin khách hàng thân thiết” để có thể thuận tiện hơn, nhất là trong giai đoạn cao điểm.
Sau khi nhận được chỉ đạo, hướng dẫn từ chính phủ và Bộ Y Tế, căn cứ trên số lượng vắc xin có được trong mỗi thời điểm, VNVC sẽ công bố thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin và thứ tự ưu tiên dành cho khách hàng dựa trên các thông tin đã đăng ký. VNVC cũng lưu ý rằng, do số lượng vắc xin có hạn, các nền tảng đăng ký vắc xin COVID-19 có thể dừng đăng ký sớm.
Về giá bán vắc xin COVID-19 AstraZeneca, VNVC cho biết sẽ công bố trước khi tiến hành tiêm chủng. Dự kiến giá sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể tiếp cận.
Được thành lập từ tháng 6/2017, CTCP Vắc xin Việt Nam (VNVC) nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những hệ thống tiêm chủng hàng đầu trong nước. với 49 trung tâm tiêm chủng cao cấp trên cả nước, họ đẩy mạnh khai trương mới hàng loạt kể từ những tháng cuối năm 2020. Ngoài vắc xin COVID-19 mới nhất, họ cũng đang cung cấp khoảng 30 loại vắc xin cho trẻ em và người lớn.
Thành lập ban đầu với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, VNVC là công ty tư nhân do ba cá nhân góp vốn gồm ông Ngô Chí Dũng (40%), bà Nguyễn Thị Hà (30%) và bà Nguyễn Thị Xuân (30%).
Ông Ngô Chí Dũng không phải là người xa lạ trong giới kinh doanh dược phẩm, y tế, thực phẩm chức năng. Doanh nhân này là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma).
Eco Pharma có thể là cái tên ít gây chú ý, nhưng những ai thường xuyên xem đài truyền hình Việt Nam một giai đoạn sẽ không thể không biết “Sâm Alipas – Tăng cường sinh lực phái mạnh”, hay “Sâm Angela Gold – Sức khỏe, sắc đẹp”… Đây chính là các sản phẩm dòng ecogreen của EcoPharma. EcoPharma từng liên tục chi tiền quảng cáo trên truyền hình để thông tin về các sản phẩm thực phẩm chức năng kể trên có thể tiếp cận với phần đông khán giả đại chúng.
Công ty dược phẩm của ông Ngô Chí Dũng chuyên nhập khẩu, phân phối các loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiểu đường, ung thư, gan mật, tiêu hóa tại Việt Nam. Sản phẩm của EcoPharma có mặt tại hàng chục nghìn nhà thuốc trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, EcoPharma có sở hữu riêng cho mình hệ thống nhà thuốc ECO, một sàn thương mại Ecogreen vận hành từ tháng 1/2017.
Doanh thu của EcoPharma đạt lần lượt 1.503 tỷ đồng và 1.681 tỷ đồng trong hai năm tài chính gần nhất, biên lãi gộp duy trì ở mức 33%. Nhưng điểm đáng chú ý là lợi nhuận ròng của công ty này lại bốc hơi một nửa sau mỗi năm. Trong 2019 chỉ còn 12 tỷ đồng.
Hệ sinh thái các doanh nghiệp gắn với tên tuổi ông Ngô Chí Dũng còn có CTCP Bệnh viện Tâm An với sức tăng trưởng khá ấn tượng.
Bệnh viện Tâm Anh đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, đặt tại Long Biên, TP Hà Nội. Doanh thu trong năm 2019 của bệnh viện này đạt 661 tỷ đồng, lãi ròng tượng trưng 1 tỷ đồng. Điều này gây bất ngờ bởi năm liền trước đó, bệnh viện Tâm Anh dù ghi nhận doanh thu thấp hơn (524 tỷ đồng) nhưng lãi sau thuế tới 42 tỷ.